Chi phí biện pháp thi công – một phần của chi phí công trình

Các công trình ở Việt Nam ngày càng có quy mô lớn và phức tạp, để thi công được những công trình có độ phức tạp như thế đòi hỏi Nhà thầu phải có những biện pháp tổ chức thi công hiện đại cũng như tốn kém hơn các biện pháp truyền thống. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nhà tư vấn lập dự toán cho Chủ đầu tư vẫn chưa chủ động đưa thêm phần chi phí vào Dự toán công trình. Bài viết này muốn phân tích về phần chi phí biện pháp thi công và lưu ý thêm với các Chủ đầu tư: đó là một phần chi phí công trình

Chi phí biện pháp chiếm 5-10% dự toán công trình

Biện pháp thi công tầng hầm bằng ép cừ Larsen kết hợp các thanh chống

Với việc thi công một tòa nhà có 2 tầng hầm như ảnh ở trên chẳng hạn, các nhà thầu thường lựa chọn các biện pháp thi công phổ biến như Ép cừ, thi công đào đất rồi bắt đầu thi công từ dưới lên trên hoặc thi công bằng Top-Down. Dù biện pháp nào đi nữa thì có rất nhiều công tác phát sinh ngoài dự toán. Chẳng hạn như biện pháp thi công ép cừ như trên, khi lập dự toán, đơn vị tư vấn có thể bỏ qua các công tác rất phổ biến như:

–         Thuê hoặc Mua cừ Larsen; Ép + nhổ cừ Larsen

–         Mua các thanh thép hình + gia công lắp dựng hệ giằng chống cừ

–         Hệ thang lên xuống thi công

Ngoài ra để thi công một hệ móng + tầng hầm như trên, nhà thầu có thể phải có thêm đường công vụ sử dụng thép tấm, cầu rửa xe đảm bảo vệ sinh môi trường, hệ móng cọc nhồi hoặc móng cọc ép của cẩu tháp vv…

Thi công cốp pha tại dự án Donphin Palaza, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Tuấn

Ở một ví dụ khác, trong hình ảnh chụp lại ở dự án Donphin Palaza tại Hà Nội, có thể thấy biện pháp thi công cốp pha vách ở đây được thi công bằng biện pháp trượt, đồng thời ngay bên cạnh là một hệ cốp pha được lắp dựng thông tầng với chiều cao gần 20m để thi công sàn tầng 5. Với việc thi công như trên, nhà thầu phải đầu tư một hệ thống cốp pha có nhiều điểm khác với định mức nhà nước đã công bố. Đồng thời với việc đó, giá thành thi công sẽ cao hơn nhiều. Cụ thể, với giá 1m2 ván khuôn của phần dần chuyển (sàn thông tầng) ở trên được nhà thầu chào thầu khoảng hơn 1,7 triệu đồng, trong khi nếu chào theo định mức nhà nước thì chỉ vào khoảng hơn 170 nghìn đồng  bằng 1/10 lần)

Như vậy, có thể khẳng định chi phí biện pháp thi công chiếm một phần khá lớn trong giá trị của cả gói thầu, có khi lên đến 10% hoặc hơn. Nếu trong quá trình phê duyệt dự toán, Chủ đầu tư không chủ động đưa các chi phí này vào sẽ làm cho việc đấu thầu của các nhà thầu vượt giá gói thầu được duyệt hoặc nếu Nhà thầu coi đây là phần khối lượng thừa thiếu của gói thầu thì về sau sẽ gây ra việc vượt Tổng dự toán hoặc Tổng mức đầu tư được duyệt.

Giải pháp?

Có nhiều đơn vị tư vấn và Chủ đầu tư giải thích rằng, khi thiết kế thì chưa thể lập dự toán cụ thể vì đâu biết nhà thầu sẽ lựa chọn biện pháp thi công nào khi chào thầu. Điều này là đúng, tuy nhiên để xử lý cũng không khó, chủ đầu tư có thể chủ động phê duyệt thêm một phần chi phí biện pháp thi công coi như phần dự phòng vào tổng dự toán hoặc dự toán phê duyệt. Ví dụ: thêm một đầu công việc hoặc một khoản chi phí biện pháp với giá trị tạm tính bằng 5-10% giá trị của phần dự toán thông thường ở trên.

Lê Vinh

19 comments on “Chi phí biện pháp thi công – một phần của chi phí công trình

  1. Chào anh Lê Vinh, em có 1 vài vấn đề về việc tính chi phí biện pháp thi công:
    – Trong tổng hợp kinh phí của 1 bản dự toán nhà cao tầng mà em đang theo dõi, có đưa chi phí biện pháp thi công lên tới 800 triệu, mà lại đưa chi phí an toan lao động vào. Theo anh thì việc đưa chi phí BPTC bằng dự toán cụ thể có hợp lý không?nếu đưa tỷ lệ % coi như dự phòng anh nói thì cái nào hợp lý hơn? và việc đưa chi phí an toàn lao động vào BPTC có đúng ko?
    – Em có hỏi thêm, là việc hướng dẫn bù nhiên liệu được xác định bằng văn bản của Sở XD có nói đến lệ phí xăng dầu, phí bình ổn mà hầu như trong các dự toán người ta chỉ đưa công thức: Giá nhiên liệu tại thời điểm lập dự toán- Giá nhiên liệu gốc?
    Mong anh có ý kiến giúp em có thể sáng tỏ hơn.

    • Về câu hỏi của bạn mình có ý kiến như sau:
      1, Hiện nay dù Trực tiếp phí khác đã tăng lên đáng kể (ví dụ công trình dân dụng trong đô thị là 2,5%), trong đó chiếm một khoản khá lớn chi phí an toàn và vệ sinh lao động. Tuy nhiên trong Thông tư 04/2010 BXD có một mở ngoặc đáng để ý: Công trình silo hoặc nhà cao từ 6 tầng trở lên, CHủ đầu tư có thể lập dự toán CP biện pháp an toàn lao động và đưa vào phê duyệt trong dự toán XD công trình! Do vậy việc lập dự toán và đưa CP biện pháp an toàn lao động vào bản chất hoàn toàn đúng với quy định, tuy nhiên tùy theo việc quản lý chi phí hợp lý theo từng điều kiện mà CĐT có thể đồng ý hoặc ko đồng ý phê duyệt BP này! Hiện nay rất nhiều CĐT đã phê duyệt BP an toàn lao động, bên mình làm CĐT và cũng đã từng phê duyệt cho 1 công trình tại Hà Nội
      2, Việc bù nhiên liệu thì đúng là theo công thức: C bù nl = Định mức tiêu hao NL *(Giá nhiên liệu tại thời điểm lập dự toán – Giá nhiên liệu gốc)*Kp
      Giá NL tại thời điểm lập dự toán tính như trong Bảng giá ca máy TP Hà Nội năm 2011 là hợp lý
      Ví dụ, giá xăng hiện tại là 22.300 đồng (bao gồm VAT)
      Giá hiện tại đưa vào dự toán (trước VAT) = (22.300-1000)/1,1+1000
      Trong đó 1000 là phí môi trường, mà phí thì ko tính thêm thuế nữa, cho nên giá trước thuế cũng + 1000 chứ ko phải 1000/1,1. Vì thế có công thức như trên!
      Mong giải đáp phần nào câu hỏi của bạn! Thân!

  2. Cảm ơn anh đã giúp em phần nào thắc mắc, nhưng công trình em đang thẩm tra là thế này:
    1. Chi phí BP an toàn lao động đúng là phải được tính, nhưng lại đưa Cp này vào trong chi phí Biện pháp thi công, mà theo em nghĩ như bài viết trên của anh có nói “…khi thiết kế thì chưa thể lập dự toán cụ thể vì đâu biết nhà thầu sẽ lựa chọn biện pháp thi công nào khi chào thầu”. Theo anh thì có nên tách chi phí BP an toàn lao động riêng, còn phần chi phí BP thi công riêng?và phần chi phí BPTC lấy tỷ lệ %?
    2. Sở XD Nghệ An có công bố cách bù giá nhiên liệu theo công thức:
    Mức chênh lệch giá 1 lít xăng, dầu được bù = [(Giá xăng, dầu tại thời điểm lập dự toán – Lệ phí xăng dầu – Phí bình ổn giá xăng dầu)/1,1]+(Lệ phí xăng dầu + Phí bình ổn giá xăng dầu)- Giá xăng dầu trong đơn giá gốc.
    Thế thì công thức trên thì thiếu đi Phí bình ổn giá xăng dầu?

    • 1. Theo mình CP biện pháp an toàn lao động vẫn đưa vào Cp Biện pháp thi công để phê duyệt, vì tách ra thì lặt nhặt quá. Tuy nhiên chưa biết biện pháp thi công người ta làm như thế nào thì vo 1 cục hoặc tính theo %, còn khoản CP biện pháp nếu lập được các đầu việc cụ thể rồi thì cứ lập bình thường. Tức làm sao kết hợp linh hoạt để phê duyệt được một dự toán mà về sau không sợ thiếu các TP chi phí! Hoặc để đơn giản nhất, để một khoản Dự phòng phí (chi phí BPTC) khoảng 10%, tránh trong quá trình đấu thầu các nhà thầu bỏ vượt giá gói thầu! OK?
      2, Công thức nào bạn?
      Mỗi sở ban ngành có một cách tính riêng ko đồng nhất
      Như sở XD Nghệ An thì học tách bạch chi tiết hơn, tức trong Công thức tính giá xăng dầu họ còn nhận thấy có một số khoản cũng thuộc về phí như: Lệ phí xăng dầu (chắc là môi trường) và PHí bình ổn cho nên họ tách ra 2 khoản này ko tính VAt. Có điều như thế lại thêm phần rắc rối! 🙂
      Nghệ An quy định thế thì bạn áp dụng như thế thôi!

  3. Anh Lê Vinh thân mến, công ty em đang tranh luận vấn đền nay mà chưa bên nào nhường bên nào, em mong anh giúp đỡ:
    Việc áp dụng đơn giá, ví dụ trong 1 công tác bê tông đơn vị tính 100m3, nhưng có người không thích dùng đơn vị đó mà người ta dùng đơn vị 1m3 như vậy đơn giá Vật liệu, nhân công, máy thi công đều chia cho 100, như vậy việc áp dụng có chính xác không?Có quy định nào quy định cụ thể việc áp dụng đó không thưa anh?

    • Chào Cường!
      Việc này chỉ là cách xử lý đơn vị tính mà htooi!
      Đơn vị định mức có thể là 100m3, khi lập bảng tiên lượng (mời thầu chẳng hạn) người ta có thể quy đổi về m3, 10m3 hay 10.000m3 đều được bạn à!
      Và đương nhiên áp 1m3 thì sẽ chia toàn bộ đơn giá (định mức) cho 100 nếu đơn vị sẵn có là 100m3
      Vấn đề chỉ là mục đích của người muốn m3 hay 100m3 mà thôi, hoàn toàn phụ thuộc ý tưởng chủ quan, nên ko cần phải quy định trong trường hợp này 🙂 đúng ko Cường?

  4. Cảm ơn anh đã giúp đỡ nhiệt tình, nói thực em cũng là dân KTXD nhưng lời nói chưa đủ nặng để khẳng định 1 vài thứ mà mình biết là sai hay là đúng. Chân thành cảm ơn anh.

  5. Gửi anh Lê Vinh.
    Em hiện đang là Chủ đầu tư một công trình xây dựng. Khi thi công theo biện pháp thi công của nhà thầu đã đề xuất trong hồ sơ đề xuất thì xảy ra sự cố trong quá trình thi công. Để tiếp tục thi công được nhà thầu đã đề xuất một biện pháp thi công khác có chi phí lớn hơn nhiều. Vậy chi phí cho biện pháp thi công phát sinh này có thể thanh toán cho nhà thầu được không ? Nếu thanh toán được thì thanh toán theo qui định nào của pháp luật (trường hợp này của em là Chỉ định thầu xây lắp, vốn ngân sách).
    Rất mong nhận được sự tư vấn của anh. Cám ơn anh!

    • Cái này Chủ đầu tư phải xem xét sự cần thiết của BPTC thay đổi đó, trước hết phải yêu cầu Nhà thầu đưa ra phương án tối ưu nhất dưới sự tư vấn của Tư vấn giám sát. Không thể trình lên giá trị X thì ta duyệt ngay giá trị X đó được, Giá trị X của Nhà thầu đôi khi chỉ cần 60-70% là đủ làm rồi.
      Trong Nghị định 112.2009, CP đã nói rõ thẩm quyền quản lý chi phí thuộc về Chủ đầu tư, cho nên thêm hay không thêm phần Biện pháp, phát sinh chi phí đó Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Trường hợp vì khoản chi phí phát sinh này mà làm thay đổi tăng Tổng mức đầu tư (vượt ra khoản dự phòng) thì sẽ phải trình Người quyết định đầu tư xem xét. Trường hợp này chắc ko đến mức vậy
      Kết luận: Việc bổ sung là cần thiết và hợp lý với tình hình thi công thực tế thì đương nhiên phải lập dự toán bổ sung, phê duyệt bổ sung, ký PLHĐ và thanh toán cho nhà thầu bình thường!

  6. Xin chào anh Lê minh, đọc qua mạng thấy được trang này,
    em đọc bài của anh Nam và có đôi chút thắc mắc như sau ạ:
    Căn cứ theo: Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03/12/2010 nêu rõ:

    Điều 6. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình

    Nhà thầu thi công xây dựng công trình bao gồm cả tổng thầu, nhà thầu chính và nhà thầu phụ trên công trường có trách nhiệm:

    1. Lập và phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình. Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra thực tế các diễn biến trên công trường để điều chỉnh biện pháp thi công, biện pháp an toàn lao động cho phù hợp.

    2. Tuyển chọn và bố trí người lao động kỹ thuật trên công trường đúng chuyên môn được đào tạo, đủ năng lực hành nghề, đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật. Đồng thời cung cấp đầy đủ các trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

    3. Thành lập mạng lưới và bộ phận quản lý công tác an toàn lao động trên công trường; đồng thời quy định cụ thể công việc thực hiện và trách nhiệm đối với những cá nhân quản lý công tác an toàn lao động trong quá trình thi công.

    4. Tổ chức tập huấn và huấn luyện về an toàn cho đội ngũ làm công tác an toàn và người lao động thuộc quyền quản lý theo quy định.

    5. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động theo biện pháp đã được phê duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.

    6. Chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư khắc phục hậu quả, khai báo, điều tra, lập biên bản khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, tai nạn lao động trên công trường.

    7. Thực hiện công tác kiểm định, đăng ký(nếu có), bảo dưỡng máy và thiết bị nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và công trình theo quy định.

    Do trường hợp của anh Nam chưa nói rõ là biện pháp thi công có sự cố là sự cố như thế nào… nên rất khó phán rằng chi phí đó thuộc về bên nào chịu ạ.
    Vì, biện pháp thi công đề xuất của nhà thầu phải được “Phê duyệt”, báo cáo với chủ đầu tư và Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ và an toàn trong thi công, tuy nhiên nếu thi công sai thiết kế hoặc sai tiêu chuẩn, quy chuẩn là không được.
    Thứ 2: Biện pháp thi công do nhà thầu thi công xây dựng lập và đã được đưa ngay trong hồ sơ dự thầu cùng với giá thầu. Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm thi công theo đúng biện pháp đã nêu trong hồ sơ dự thầu. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 Nghị định 209/2004/NĐ-CP thì Chủ đầu tư không phải phê duyệt nhưng phải kiểm tra biện pháp thi công do nhà thầu thi công xây dựng lập.

    Vậy, chi phí này tính cho nhà thầu đúng hay sai ạ?

  7. Cám ơn anh dan (LV xin được tạm gọi là anh Dân) về ý kiến sâu sắc và những trích dẫn chi tiết của anh. Đúng như những gì anh nói, chúng ta cần phải phân tích rõ xem sự cố xảy ra đó là do đâu, do Nhà thầu thi công sai BPTC hay do Biện pháp thiết kế chưa được tính toán kỹ. Trường hợp LV trả lời ở trên coi như Nhà thầu đã thi công đúng theo biện pháp thi công được Chủ đầu tư phê duyệt, được sự giám sát chặt chẽ của Tư vấn, tuy nhiên nó vẫn xảy ra sự cố thì Chủ đầu tư sẽ phải xem xét lại, và chấp nhận bổ sung dự toán BPTC, lý do là Chủ đầu tư đã phê duyệt kết quả dự thầu, đồng ý với BPTC đề xuất của nhà thầu.
    Tóm lại ta có thể kết luận: Nếu Nhà thầu làm sai BPTC được duyệt, nhà thầu phải chịu trách nhiệm, Còn nếu Chủ đầu tư phê duyệt BPTC của Nhà thầu và Nhà thầu thi công đúng nhưng vẫn ko đảm bảo thì CĐT và Nhà tư vấn phải chịu trách nhiệm (phê duyệt ở đây kể đến cả trường hợp phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu).

  8. Chào Anh Vinh sau khi đọc những phần anh trã lời trên diễn đàng thật bổ ích. Cám ơn vì những chia sẽ của anh. Em có một có một vấn đề muốn trao đổi cùng anh.
    Khi thi công xong thì phần vật liệu nhự thép hình, cừ larsen tình như thế nào. vì phần chí phí này rất lớn khi đầu tư cho đơn vị thi công, chủ đầu tư có được sử dụng lại phần vật liệu này hay không.

    • Nếu chủ đầu tư cấp thì Chủ đầu tư sẽ thu hồi và thanh lý em nhé
      Nếu Đơn vị thi công thì có 2 trường hợp:
      1, Đi thuê thì sẽ theo hợp đồng đi thuê (trả lại cho đơn vị cấp cừ)
      2, Mua cừ thì Nhà thầu sẽ tiếp tục sử dụng cho công trình khác hoặc thanh lý

      • Cám ơn anh Vinh về phần trao đổi trên, còn vấn đề xin trao đổi cùng anh.
        Trong dự toán BPTC thì phần thép hình trong dự toán là mua mới hết, Chủ đầu tư phải bỏ chi phí cho phần thép hình này nhưng khi thi công xong thì phần này nhà thầu nói đó là của nhà thầu vì để phục vụ cho công việc thi công công tác đó. Nên tính pháp lý ở đây là như thế nào. Có qui định nào nói về khoản này không.
        Cám ơn sự trao đổi của anh.

      • Em chào anh vinh. Em bên chủ đầu tư (vốn ngân sách) và hiện nay em cũng đang vướng phải vấn đề này. Khối lượng thép hình được nhà thầu đưa vào sự dụng tính theo mua mới 100% (KL khoảng 160 tấn). Trừ những phần không thể thu hồi, thì phần thu hồi được (khoảng 140 tấn) sẽ được tính giá trị thu hồi như thế nào ạ ? Hiện nay, theo dự toán thu hồi 40% giá trị thép (khoảng 6.000 đồng/kg) còn nhà thầu đang đề xuất thu hồi 7000 đồng/kg. Mong anh chỉ cho em cách tính thu hồi đúng theo quy định nhà nước. cảm ơn anh.

      • Thực ra hiện nay đa phần các Chủ đầu tư duyệt tỷ lệ thu hồi thép vào khoảng 50%. Tức là khối lượng thì theo thực tế, còn giá trị thu hồi bằng 50% giá trị lúc mua hoặc giá trị theo thời điểm bán thanh lý.Không có một quy định nào về vấn đề này, hoàn toàn do khảo sát thị trường và kinh nghiệm thực tế.

  9. Theo em được biết thì trong 1776 có mã công việc AI.11900: Sản xuất hệ khung dàn, sàn thao tác có ghi chú: trường hợp sử dụng hệ khung dàn, sàn đạo, sàn thao tác làm biện pháp thi công thì hao phí vật liệu chính (thép hình, thép tấm, thép tròng) được phân bổ vào công trình tương ứng với thời gian sử dụng trong một tháng bằng 2%. Hao hụt vật liệu chính (thép hình, thép tấm, thép tròn) cho một lần lắp dựng và một lần tháo dỡ bằng 7%.

    • Tính toán theo quy định của ĐỊnh mức 1776 thì sẽ rất thấp, thiệt thòi cho Nhà thầu. Do vậy cần phải tính toán hợp lý theo thực tế, do đặc thù của BPTC là chỉ áp dụng, sử dụng cho công trình đó mà ko thể luân chuyển, tái sử dụng cho công trình khác được!

Bình luận về bài viết này