Định nghĩa dự toán theo từng giai đoạn quản lý chi phí

Dựa trên kinh nghiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình có được trong những năm qua, Lê Vinh đưa ra một số khái niệm (một cách hiểu nôm na) về các loại dự toán. Cách định nghĩa hoàn toàn theo các giai đoạn quản lý chi phí trong công trình xây dựng

DN1

Dn2

 

Dự toán thiết kế: Là dự toán được lập trên cơ sở hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc hồ sơ bản vẽ thi công, cập nhật theo đơn giá vật liệu, nhân công, máy thi công thời điểm hiện tại

Đặc điểm:

+ Khối lượng: Bóc tách từ hồ sơ thiết kế

+ Đơn giá: Cập nhật tại thời điểm lập dự toán

+ Người lập: Nhà thầu tư vấn thiết kế

 

Dự toán đã thẩm tra: được đơn vị tư vấn Thẩm tra rà soát,  lập lại từ Dự toán thiết kế trên cơ sở kiểm tra khối lượng trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc hồ sơ bản vẽ thi công (thông thường là đã được thẩm tra), đơn giá cập nhật tại thời điểm thẩm tra hoặc thời điểm lập dự toán (nếu Chủ đầu tư yêu cầu)

Tên gọi chính xác: Dự toán đã được thẩm tra

Đặc điểm:

+ Khối lượng: Rà soát trên hồ sơ thiết kế (đã được thẩm tra)

+ Đơn giá: Rà soát theo thời điểm lập dự toán và cập nhật theo thời điểm thẩm tra

+ Người lập: Đơn vị thẩm tra kiểm, Nhà thầu tư vấn thiết kế in lại hồ sơ, chuyển đơn vị thẩm tra đóng dấu

 

Dự toán phê duyệt: Là dự toán đã được Chủ đầu tư phê duyệt bằng một quyết định. Giá trị dự toán này chính là gía trị dự toán đã được thẩm tra (hoặc thẩm định nếu cần)

 

Dự toán gói thầu: Trên cơ sở dự toán đã được phê duyệt, Chủ đầu tư đưa vào kế hoạch đấu thầu để trình Người quyết định đầu tư phê duyệt. Nếu kế hoạch đấu thầu đã có trước đó, dự toán được duyệt ở trên chính là dự toán gói thầu cập nhật để làm căn cứ mời thầu.

Khi lập hồ sơ mời thầu (hoặc hồ sơ yêu cầu, chào hàng…) thì tiên lượng mời thầu chính là khối lượng được lấy từ dự toán gói thầu đã được phê duyệt.

 

Dự toán dự thầu: Trên cơ sở tiên lượng mời thầu được đính kèm trong Hồ sơ mời thầu (Hồ sơ yêu cầu), Nhà thầu sẽ lập dự toán dự thầu (dự toán đề xuất)

Đặc điểm:

+ Khối lượng: Lấy theo tiên lượng Hồ sơ mời thầu

+ Đơn giá: Xây dựng trên cơ sở hợp lý, đánh giá khả năng trúng thầu, khả năng lãi lỗ khi thi công gói thầu.

+ Người lập: Nhà thầu

Dự toán thi công: Do Nhà thầu lập trên cơ sở hồ sơ thiết kế đã có hoặc hồ sơ các công việc phát sinh trên hiện trường. Do vậy cũng có hai cách hiểu về Dự toán thi công:

1, Dự toán thi công: Nhà thầu lập lại, dựa trên định mức thi công thực tế và đơn giá mà nhà thầu cập nhật từ các nhà cung cấp. Dự toán này được lập nhằm so sánh với giá trị hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư, từ đó kiểm soát mức lỗ lãi khi thi công công trình

2, Dự toán thi công: Nhà thầu lập trên cơ sở các khối lượng phát sinh trên hiện trường hoặc phát sinh ngoài hồ sơ thiết kế, là căn cứ để đàm phán với Chủ đầu tư về các phần phát sinh này và bổ sung vào giá trị hợp đồng đã ký kết.

Đặc điểm:

+ Khối lượng: Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công

+ Đơn giá: Tại thời điểm thi công

+ Người lập: Nhà thầu

 

Dự toán bổ sung: Do Nhà thầu, Đơn vị tư vấn hoặc Chủ đầu tư lập trên cơ sở hồ sơ thiết kế bổ sung ngoài thiết kế hoặc do biến động của đơn giá thị trường (nôm na cho 2 yếu tố là bổ sung khối lượng và bổ sung giá):

Đặc điểm:

+ Khối lượng: Theo hồ sơ bản vẽ thiết kế các công việc phát sinh

+ Đơn giá: Theo chế độ chính sách, đơn giá hiện tại

+ Người lập: Có thể là nhà thầu; Đơn vị tư vấn hoặc chính Chủ đầu tư (Và cũng cần được thẩm tra)

 

Dự toán điều chỉnh: Được xác định bằng Dự toán đã duyệt + Dự toán bổ sung. Đơn vị tư vấn hoặc Chủ đầu tư sẽ lập dựa trên Dự toán bổ sung và Chủ đầu tư sẽ phê duyệt điều chỉnh Dự toán công trình sau khi đã được thẩm tra theo các bước như trên.